Tin tức
Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng – những kết quả và bài học kinh nghiệm từ Nam Định
Ngày 29 tháng 11 năm 2023, tại TP Nam Định, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nam Định và các đối tác đã tổ chức cuộc họp cuối kỳ Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng”. Cuộc họp nhằm tổng kết quá trình hoạt động, kết quả thực hiện và phổ biến kinh nghiệm của Dự án đến các bên liên quan, qua đó thúc đẩy áp dụng và lan tỏa những thành công của Dự án ở các cấp.
Cuộc họp có sự tham dự của trên 100 đại biểu gồm đại diện các cơ quan trung ương: Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Thủy sản; Viện chiến lược, chính sách TN&MT; Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo; Viện khoa học thủy lợi; Trung tâm MCD; các đại biểu từ các địa phương ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau; và các đại biểu từ tỉnh Nam Định: Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo và các cán bộ Sở TN&MT; Đại diện các đơn vị Sở NN&PTNT, Sở GTVT, Sở KH&CN, Phòng CSGT đường thủy, Công ty QL đoạn đường sông số 5, Công ty CP môi trường Nam Định và BQL khu xử lý rác Lộc Hòa, Công ty môi trường xanh Nam Trực; Lãnh đạo UBND và cán bộ phòng TN&MT TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc, huyện Nam Trực, huyện Xuân Trường, huyện Giao Thủy; đại diện UBND và nhóm nòng cốt cộng đồng vận hành bẫy rác tại các xã/phường Mỹ Tân, Trần Tế Xương, Điền Xá, Nam Thắng, Xuân Thành, Giao Hương và các địa phương liên quan khác; BQL VQG Xuân Thủy; Huyện đoàn Giao Thủy. Buổi họp có sự tham dự đưa tin của đại diện các đơn vị báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.
Đại biểu tham quan triển lãm ảnh hoạt động dự án
Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” được Tổ chức Bảo tồn đại dương (OC) tài trợ, do MCD chủ trì và phối hợp với các đối tác thực hiện trong giai đoạn 08/2020-12/2023. Dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy các giải pháp công nghệ sáng tạo kết hợp với truyền thông để cải thiện quản lý chất thải rắn trên sông, ven sông và cửa sông ở khu vực sông Hồng tại Nam Định. Tại cuộc họp tổng kết, MCD và đại diện chính quyền địa phương cùng các nhóm nòng cốt tại các điểm dự án đã báo cáo về quá trình triển khai các hoạt động và chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm thực hiện dự án, trong đó nổi bật là sau hơn ba năm thực hiện và kế thừa từ sáng kiến trước đó, Dự án đã nghiên cứu cải tiến, chế tạo, lắp đặt và vận hành 06 công cụ thu gom rác thải trên sông (gọi tắt là “bẫy rác”) trong đó 05 bẫy rác được đặt trên sông Hồng thuộc xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc; xã Điền Xá và xã Nam Thắng, huyện Nam Trực; xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường; xã Giao Hương, huyện Giao Thủy; và 01 bẫy rác đặt trên sông Đào thuộc phường Trần Tế Xương, TP Nam Định. Đồng thời, các hoạt động nghiên cứu đánh giá rác thải trên sông và ven sông tại Nam Định và các hoạt động truyền thông đối với các bên liên quan, huy động truyền thông địa phương nhằm nâng cao nhận thức về các nguồn ô nhiễm và thúc đẩy giải pháp xử lý ô nhiễm rác thải nhựa cũng đã được triển khai.
Đối thoại bàn tròn tại cuộc họp
Dự án đã đạt các kết quả vượt mức cam kết, hoàn thành mục tiêu đề ra, với trên 15,000kg rác, trong đó rác thải nhựa chiếm 51,4%, đã được thu gom từ các bẫy rác, phân loại và xử lý; khoảng 4.500 lượt người tham gia trực tiếp các hoạt động dự án; trên 800 lượt người được tăng cường năng lực thông qua các hoạt động tập huấn, đối thoại và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa; khoảng 19 triệu lượt người được tiếp cận đến các thông tin liên quan đến dự án và các hoạt động mà dự án thực hiện; 45 cơ quan, đơn vị, tổ chức đã tham gia phối hợp trong quá trình triển khai dự án.
Trao giấy ghi nhận cho nhóm nòng cốt vận hành bẫy rác
Tại cuộc họp, Bà Hồ Thị Yến Thu – Phó Giám đốc thường trực MCD cho biết: “Trung tâm MCD đã có gần 20 năm hỗ trợ tỉnh Nam Định thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện đời sống của cộng đồng ven biển. Hiện nay, rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nan giải mà phần lớn có nguồn gốc từ đất liền, bị xả thải ra môi trường rồi cuốn theo những dòng sông và ra biển. Với dự án này, chúng tôi tập trung vào cải thiện việc quản lý rác thải ở khu vực sông Hồng và sông Đào. Với nhiều nỗ lực trong các khía cạnh: tiếp nhận hướng dẫn và kinh nghiệm quốc tế, phát huy công nghệ kỹ thuât địa phương, huy động sự tham gia của các bên liên quan, đến nay dự án đã hoàn thành việc thí điểm mạng lưới bẫy rác liên hoàn trên sông hoạt động có hiệu quả, đóng góp thiết thực mô hình thu gom rác trên dòng chảy và tác động đến nhận thức và hành động của cộng đồng trong giảm rác thải nhựa, hướng tới cải thiện các chính sách liên quan. Trong tiến trình đó, MCD đóng vai trò huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và quản trị, kết nối và thúc đẩy. MCD rất phấn khởi vì dự án đã đạt những thành công, được địa phương tiếp nhận và có thể duy trì, nhân rộng. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình và hợp tác hiệu quả từ các cơ quan trung ương và địa phương, chuyên gia, cộng đồng dân cư và đối tác tài trợ đối với dự án.”
Bà Hồ Thị Yến Thu – PGĐ thường trực Trung tâm MCD
Ông Đỗ Quang Trung – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định cho biết: “Dự án Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng đã hỗ trợ đáng kể trong việc nâng cao sự quan tâm và nhận thức của cán bộ, người dân Nam Định về ô nhiễm rác thải rắn, rác thải nhựa, đặc biệt ở khu vực ven sông và cửa sông, ven biển. Dự án đã kế thừa và cải tiến thành công sáng kiến bẫy rác và nhân rộng ra nhiều điểm trên sông Hồng và sông Đào, góp phần cải thiện công tác quản lý rác rắn và rác thải nhựa trong môi trường sông biển của tỉnh Nam Định. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của MCD, các đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước đã hỗ trợ triển khai dự án này và chúng tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và thành công hơn nữa trong các dự án tiếp theo vì một Nam Định với sông sạch- biển xanh.”
Ông Đỗ Quang Trung – Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định
Tại cuộc họp, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ trực tuyến từ đại diện nhà tài trợ OC với những đánh giá cao kết quả mà dự án đạt được. Các đại biểu cũng chia sẻ thông tin, phương pháp về quan trắc và đánh giá rác thải trên sông, về kinh nghiệm thực hiện bẫy rác, đồng thời thảo luận và thống nhất việc phối hợp giữa các bên nhằm duy trì và nhân rộng những thành công của dự án, bao gồm việc địa phương tiếp nhận các bẫy rác với cơ chế tài chính và quản trị phù hợp sau khi dự án kết thúc, để quản lý chất thải rắn trên sông, ven sông và cửa sông hiệu quả hơn, góp phần thực hiện Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương của tỉnh Nam Định và của Việt Nam.
Đại biểu tham gia cuộc họp tổng kết
Thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại: https://ictpress.vn/Chuyen-doc-duong/Giam-thieu-o-nhiem-rac-thai-nhua-tren-song-Hong-nhung-ket-qua-va-bai-hoc-kinh-nghie