Góc báo chí
Thay đổi nhỏ tạo tác động lớn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Chiều 29/6, Hội thảo “Liên minh đối tác chống ô nhiễm nhựa đại dương” được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo giới thiệu nhà thám hiểm được bình chọn của National Geoprahic, TS Jenna Jambeck và bài trình bày của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, những người đang khởi động các quan hệ đối tác mới để giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu nghiêm trọng này.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khởi động sự kiện và Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Michael Greene công bố hai khoản tài trợ mới theo Chương trình Tái chế Chất thải rắn của USAID.
TS Jenna Jambeck, nhà thám hiểm được bình chọn của National Geoprahic cho biết: Theo số liệu thống kê, 8,3 tỷ tấn là khối lượng nhựa mà thế giới tạo ra từ những năm 1950. Những tác động đáng kể là động vật ăn hay mắc kẹt vào rác thải nhựa cũng như gây tổn thất đối với các loại động vật hoang dã. Rác thải nhựa có thể nhỏ như cái bút chì hay bút bi, có thể đến từ quần áo hay vật dụng chúng ta dùng hằng ngày, do đó tác động của chúng rất rõ ràng. Điều này đặt ra câu hỏi: Số lượng rác thải từ mặt đất đến đại dương hằng năm là như thế nào? Nếu tất cả chúng ta đứng nắm tay nhau dọc theo bờ biển trên thế giới thì trước mặt chúng ta sẽ là khối lượng rác thải rất lớn.
Theo TS Jenna Jambeck, bà quan tâm đến rác thải nhựa bởi đó là vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người trên khắp thế giới. Bà cho biết, số lượng rác thải xuất khẩu ra các quốc gia trên thế giới là rất lớn, trong đó có 7% đến từ các quốc gia thuộc khối OECD.
TS Jenna Jambeck cho rằng cần có một khung hành động và khung giải pháp. Bà đề xuất giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa. Để có thể làm được như vậy, theo bà, phải thay đổi những hành động, tư duy, đưa ra những thay đổi nhỏ, từ đó có thể tạo ra những tác động lớn. “Chúng ta có thể thiết kế những sản phẩm sử dụng trong hoạt động sản xuất để thay đổi những thói quen xấu mà không gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người” – TS Jenna Jambeck nhấn mạnh.
Những giải pháp khác được TS Jenna Jambeck quan tâm là thu thập rác thải nhựa có thể tái chế; chú trọng quá trình phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng…
“Một số công việc đơn giản như phân loại rác thải, tái chế rác thải là những biện pháp đơn giản chúng ta có thể làm được để góp phần bảo vệ môi trường” – TS Jenna Jambeck khẳng định.
Tại Hội thảo, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Michael Greene công bố hai khoản tài trợ mới theo Chương trình Tái chế Rác thải Đô thị (MWRP) của USAID. Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD Vietnam) được nhận 2 khoản tài trợ trên. Đây là chương trình được xây dựng nhằm giảm các nguồn rác từ đất liền gây ra ô nhiễm nhựa trên biển tại các nước Sri Lanka, Philippines, Việt Nam và Indonesia.
Để giảm thiểu rác thải nhựa trên đại dương, bà Hồ Thị Yến Thu, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng đề xuất tăng cường sáng kiến và thực thi các nỗ lực của chính quyền địa phương, xã hội dân sự, ngành nghề tư nhân và cộng đồng trong việc giảm ô nhiễm nhựa trên biển.
Bà Hồ Thị Yến Thu cũng cho rằng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường tái chế chất thải nhựa và đẩy mạnh sự hợp tác giữa các đối tác.
Trích nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/thay-doi-nho-tao-tac-dong-lon-nham-giam-thieu-rac-thai-nhua-dai-duong-1255214.html
Xem thêm
- Hướng tới cộng đồng: Thảo luận phương thức phối hợp hỗ trợ ngư dân đang gặp khó khăn do cá chết hàng loạt ở một số tỉnh ven biển Bắc Trung bộ
- Phát động chiến dịch “Cộng đồng làm sạch bờ biển” và ra mắt Hội Giáo dục và Bảo vệ môi trường Hạ Long
- Việt-Mỹ thúc đẩy sáng kiến về biến đổi khí hậu đồng bằng sông Hồng