Tin tức và góc báo chí
MCD và biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ 21. Tại Việt Nam, vùng ven biển với hơn một nửa dân số cả nước, nơi tập trung các hoạt động kinh tế văn hóa quan trọng và giá trị đa dạng sinh học cao, lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng. Vùng ven biển cũng chính là địa bàn triển khai các dự án của MCD. Trong bối cảnh đó, MCD xác định ứng phó biến đổi khí hậu có vai trò quan trọng trong chiến lược và hoạt động chung của MCD, với mục tiêu cụ thể là:
– Nâng cao khả năng thích ứng và sức đề kháng của người dân vùng ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu và sự cố môi trường
– Hạn chế các nguồn phát thải khí nhà kính, bảo vệ các hệ sinh thái ven biển để phát huy tốt vai trò điều tiết khí hậu và bảo vệ vùng bờ biển, góp phần giảm nhẹ BĐKH.
– Cung cấp những mô hình thực tiễn và kinh nghiệm, kiến thức về vùng ven biển, góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH ở cấp quản lý và hoạch định chính sách.
– Nâng cao năng lực của tổ chức về ứng phó BDKH, phát huy vai trò tiên phong trong mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường, giảm nghèo và ứng phó BĐKH, thúc đấy vai trò của các tổ chức xã hội trên thế giới và Việt Nam.
BĐKH đã trở thành vấn đề xuyên suốt trong tất cả các dự án của MCD. Có thể kể đến một số dự án ngắn hạn như dự án “Nghiên cứu đánh giá kinh tế của hoạt động thích ứng với BDKH trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Việt Nam”, Ngân hàng thế giới tài trợ; dự án xây dựng Ecolife Café – Không gian học tập cộng đồng thích ứng với BDKH…, dự án dài hạn như “ Nâng cao khả năng thích ứng của các khu dự trữ sinh quyển ven biển Việt Nam” (2011-1013), SIDA tài trợ, dự án “Hợp tác tăng cường khả năng phục hồi trước những tác động của BĐKH cho các cộng đồng vùng ven biển Việt Nam” (2012 – 2014) tại 11 xã ven biển miền Bắc, AusAid tài trợ…
MCD đã xây dựng một nhóm cán bộ nòng cốt về BDKH trong tổ chức. Các thành viên trong nhóm là những người có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, phát triển cộng đồng, sinh học biển, kinh tế, luật, truyền thông, đào tạo và khoa học xã hội, và đều có quan tâm sâu sắc tới vấn đề BDKH.
Bên cạnh nguồn lực nội bộ, MCD còn rất tích cực sáng lập, điều hành và tham gia các mạng lưới, phối hợp với các đối tác liên quan trong ứng phó BDKH, điển hình là 2 mạng lưới: Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và BĐKH (VNGO&CC), và Nhóm làm việc về BĐKH (CCWG). Hiện hai mạng lưới này đều có những hoạt động đóng góp tích cực cho công tác ứng phó BĐKH của Việt Nam.