Tin tức
Thúc đẩy hợp tác và liên kết chuỗi giá trị tôm bền vững tại tỉnh Cà Mau thông qua sáng kiến “Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam”
Nhằm tiếp nối các kết quả của chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á – GRAISEA (pha 2) giai đoạn 2018-2021” trong việc tăng cường năng lực người sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt hướng đến sự công bằng về giới, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh theo các tiêu chuẩn quốc tế trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với BĐKH.
Sáng kiến Liên minh tôm sạch và bền vững Viêt Nam (Vietnam Sustainable Shrimp Alliance – VSSA) được đề xuất bởi Seafood Watch, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, UBND tỉnh Cà Mau và các bên liên quan với sự thúc đẩy và tư vấn của MCD và các tổ chức NGO. VSSA là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu và dịch vụ ngành tôm Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới bền vững môi trường và đảm bảo sinh kế, thịnh vượng cùng với trách nhiệm xã hội của các thành phần trong chuỗi giá trị tôm.
Ngày 25/11/2020, Đại hội “Thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025” đã được tổ chức tại tỉnh Cà Mau nhằm thúc đẩy các bên liên quan trong việc xây dựng và đóng góp thực hiện VSSA đảm bảo sự bền vững và yêu cầu tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường trong hoạt động nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau và mở rộng các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham gia đại hội có khoảng hơn 100 đại biểu bao gồm đại diện Tổng cục Thủy sản (ông Trần Đình Luân Tổng cục trưởng), ông Lê Văn Sử (Phó chủ tịch UBND Tỉnh Cà Mau), các đại biểu đến từ các cơ quan địa phương cấp tỉnh (Cà Mau và các tỉnh thành ĐBSCL), huyện/xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau, và đại diện các thành viên đến từ các HTX nuôi trồng thủy sản cùng các đơn vị, các Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, các Doanh nghiệp cung cấp đầu vào và công nghệ, các tổ chức Đánh giá chứng nhận, các tổ chức Phi chính phủ (MCD, WWF, Oxfam, IDH, Seafood Watch), đại diện các ngân hàng, hiệp hội, và các cơ quan truyền thông. Đại hội đã thống nhất văn kiện thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam bao gồm: điều lệ, phương hướng hoạt động và Phương án nhân sự; bầu và thống nhất danh sách Ban Chấp hành (gồm 22 thành viên), Ban Thường vụ (gồm 7 thành viên) và Ban Kiểm tra (gồm 3 thành viên).
Thay mặt MCD, Bà Thân Thị Hiền – Phó giám đốc, đã chia sẻ về thúc đẩy hợp tác và liên kết chuỗi tôm tại Cà Mau thông qua các kết quả dự án GRAISEA 2 bao gồm (i) nâng cao năng lực của người sản xuất quy mô nhỏ trong kỹ thuật nuôi trồng, năng lực quản lý kinh doanh và năng lực quản trị (ii) thực hành chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, cải thiện hoạt động đầu tư, liên kết chuỗi và những mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo thích ứng với BĐKH. Phân tích các thuận lợi, cơ hội và cả những khó khăn, thách thức trong quá trình liên kết chuỗi thực hiện trong chuỗi tôm sạch theo các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, Naturland, SFW), và đề xuất vai trò các bên tham gia và môi trường pháp lý thuận lợi qua bộ Quy tắc Ứng xử Chuỗi Giá trị Bền vững để tạo điều kiện phát triển cho các thực hành sản xuất tôm bền vững và kinh doanh có trách nhiệm.
Đại hội thành lập VSSA đã mở rộng kết nối giữa các thành viên, từ đó củng cố xây dựng và phát triển của Liên minh, góp phần tạo sự liên kết, hỗ trợ các tổ nhóm nuôi tôm đã, đang và sẽ tham gia hướng tới việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường phát triển nuôi tôm bền vững tại Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung. MCD và các đối tác NGOs tiếp tục đóng góp vai trò thúc đẩy, điều phối và liên kết các bên liên quan trong việc xây dựng kế hoạch hành động và bộ quy tắc ứng xử, tăng cường cải thiện thực hành bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và thực thi các quy định, chính sách giảm thiểu tác động mội trường và xã hội.