Tin tức
Sự đồng thuận của cộng đồng ven biển và các bên liên quan trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển tại khu vực duyên hải miền Trung (Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa)
Duyên hải miền Trung là khu vực có hệ sinh thái biển đẹp tự nhiên và đa dạng trong đó hệ sinh thái rạn san hô có tầm quan trọng và năng suất sinh học cao được ví như “Rừng của biển” là nơi nuôi dưỡng nhiều loài thủy sản có giá trị (cá mú, tôm hùm giống v.v.). Áp lực về dân số, phát triển kinh tế và đặc điểm nghề đánh bắt gần bờ sử dụng các công cụ khai thác quá mức và hủy diệt đã tác động khu vực hệ sinh thái rạn san hô và dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Hệ sinh thái rạn san hô đứng trước nguy cơ bị phá hủy nếu không được bảo vệ và phục hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và môi trường sống của cư dân ven biển.
Nắm bắt được thực trạng trên, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đã khởi xướng sáng kiến thúc đẩy thực thi Luật Thủy sản 2017 nhằm bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái biển thông qua tiếp cận đồng quản lý (ĐQL) trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) tại 03 tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Nam. Dự án đã hợp tác và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đối tác cấp trung ương và địa phương bao gồm: Vụ bảo tồn và phát triển NLTS (Tổng cục Thủy sản), Chi cục Thủy sản các tỉnh, UBND huyện/thành phố, UBND xã, cộng đồng dân cư tại các vùng dự án và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.
Hưởng ứng Tháng Hành động vì Môi trường Biển, các hoạt động khảo sát, giám sát rạn san hô, hỗ trợ truyền thông tại ba tỉnh dự án đã được MCD và các đối tác thực hiện trong tháng 6/2021.
Tại xã Tam Tiến, MCD phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam và chuyên gia Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm cùng một số thành viên trong cộng đồng thực hiện đợt khảo sát rạn san hô nhằm xác định được hiện trạng độ phủ san hô, các loài thủy sản tại khu vực rạn làm cơ sở xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển mô hình đồng quản lý NLTS. Điểm khảo sát được lựa chọn là khu bãi rạn san hô của xã Tam Tiến gồm 02 điểm giám sát: gần bờ (Rạn Đất), xa bờ (Rạn Khế).
Kết quả khảo sát cho thấy san hô sống có độ phủ trung bình là 30.47% tổng độ phủ nền đáy tiềm năng có thể bảo tồn, phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Ảnh 1: Nhóm chuyên gia giám sát san hô phối hợp cộng đồng và chính quyền địa phương.
Tại khu vực khác của tỉnh Quảng Nam, ngày 10/6/2021, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Ban quản lý cộng đồng tổ chức khảo sát hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Đây là sáng kiến hợp tác giữa Trung tâm MCD và BQL KBTB Cù Lao Chàm nhằm tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững. Hoạt động được tiến hành theo phương pháp Reefcheck và thực hiện trên 02 vùng rạn: Vũng Thùng – Hòn Tai và Bãi Nần.
Ảnh 2: Các thành viên tham gia khảo sát tại Bãi Hương, Cù Lao Chàm
Tại tỉnh Khánh Hòa, MCD đã phối hợp Chi cục Thủy sản thực hiện các hoạt động với sự tham gia của Phòng Kinh tế UBND huyện Vạn Ninh, UBND xã Vạn Hưng, chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang và các thành viên tổ cộng đồng cùng người dân trong xã.
Trong ngày 10/6/2021, Chi cục thủy sản Khánh Hòa và chuyên gia MCD tại địa phương đã chủ trì và tổ chức cuộc họp cộng đồng nhằm thu thập thông tin về đặc điểm KT-XH, đặc điểm nguồn lợi, hiện trạng quản lý và các nhu cầu của địa phương về bảo vệ nguồn lợi và hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực Rạn Trào cho phát triển sinh kế bền vững. Cuộc họp diễn ra tại UBND xã Vạn Hưng với sự tham dự đầy đủ các thành phần bao gồm: lãnh đạo và đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, Phòng Kinh tế (UBND huyện Vạn Ninh), UBND xã Vạn Hưng và tổ cộng đồng.
Ảnh 4: Họp cộng đồng cập nhật thông tin về hiên trạng quản lý khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào
Nhằm tăng cường năng lực cho tổ cộng đồng và chuẩn bị cho hoạt động giám sát san hô, MCD và chuyên gia Viện Hải Dương học Nha Trang đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ nòng cốt của tổ cộng đồng tại xã Vạn Hưng ngày 12-13 tháng 06 năm 2021.
Ảnh 5: Tập huấn đánh giá hệ sinh thái san hô cho các thành viên nòng cốt tại Rạn Trào
Tại tỉnh Bình Định, MCD và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cùng thúc đẩy chuỗi hoạt động khảo sát rạn san hô tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng. 10 phao tiêu đã được lắp đặt cho xã Nhơn Hải để phân định ranh giới khu vực bảo vệ san hô và 01 Pano tuyên truyền bảo vệ san hô đã được hoàn thiện tại địa bàn xã.
Ảnh 6: Pano tuyên truyền bảo vệ san hô và đồng quản lý tại xã Nhơn Hải
Ảnh 7: Chuyên gia hướng dẫn nhóm nòng cốt/tổ chức cộng đồng giám sát san hô tại xã Nhơn Lý
Ảnh 8: Chuyên gia hướng dẫn nhóm nòng cốt/tổ chức cộng đồng giám sát san hô tại xã Nhơn Hải
Ảnh 9: Chuyên gia phối hợp người dân ghi lại thông tin giám sát san hô tại phường Ghềnh Ráng
Sự đồng thuận của cộng đồng và các đối tác liên quan trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển chính là nguồn động lực và truyền cảm hứng để MCD luôn vững tin và nỗ lực hướng đến mục tiêu phục hồi hệ sinh thái biển vì sự sống và sinh kế.
“Vì vùng ven biển Việt Nam với môi trường trong sạch an toàn, các hệ sinh thái biển bền vững và các cộng đồng dân cư ven biển có chất lượng cuộc sống tốt đẹp”.
Chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ trung ương đến địa phương” do MCD thực hiện, được Ocean 5 tài trợ thông qua Tổ chức các nhà tư vấn từ thiện Quỹ Rockerfellor (RPA). Mục tiêu của dự án hỗ trợ thực hiện và mở rộng quy mô thực hành đồng quản lý và huy động sự tham gia các bên liên quan và cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam góp phần cải thiện và phát triển nghề cá bền vững.