Tin tức
MCD tham dự trực tuyến Đại hội Bảo tồn Thế giới (WCC) lần thứ 7, 3-11/9/2021
Đại diện MCD, bà Hồ Thị Yến Thu – Phó Giám đốc thường trực, đã tham dự trực tuyến Đại hội Bảo tồn Thế giới (WCC) lần thứ 7 của IUCN được tổ chức tại Tp biển Marseille, Cộng hòa Pháp, từ ngày 3 đến 11/9/2021. WCC là sự kiện lớn nhất thế giới về chủ đề môi trường và bao gồm sự tham gia của nhiều lãnh đạo các quốc gia, tổ chức, cộng đồng.
Đây là lần đầu tiên, WCC được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến do đại dịch Covid để đảm bảo sự tham gia đông đảo của các đại biểu đồng thời với an toàn về sức khỏe. Hiện chưa có thống kê số lượt người tham gia trực tiếp tại Marseille song số đại biểu tham dự trực tuyến là khoảng 13,000, trong đó có đại biểu từ gần 1,400 tổ chức thành viên IUCN.
Chủ đề của Đại hội lần này là “Khả năng hồi phục ở ngay chính thiên nhiên” nhằm nhấn mạnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong đó có đại dịch Covid, và cần có những lựa chọn hành động phù hợp để phục hồi và tái thiết. Các nội dung chính gồm đa dạng sinh học, hồi phục dựa vào thiên nhiên, và biến đổi khí hậu. Trong Đại hội, có khoảng trên 500 sự kiện và diễn đàn được tổ chức.
Ảnh: Lễ khai mạc Đại hội
Đại diện MCD, bà Thu đã tham dự trực tuyến các phiên làm việc của thành viên IUCN, đồng thời dành thời gian tham dự một số phiên làm việc về các chủ đề liên quan mật thiết đến MCD như:
– Thập kỷ đại dương và đa dạng sinh học biển – Cùng xây đắp kiến thức để phục hồi đa dạng sinh học biển toàn cầu
– Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, một công cụ để giải quyết vấn đề ngư cụ thải bỏ trên biển
– Mở rộng quy mô! Sử dụng những thực hành tốt nhất để tạo ra mạng lưới các khu bảo tồn biển lớn hướng tới mục tiêu 30% vào năm 2030 của IUCN
– Thủy sản và đa dạng sinh học: đi biển thuận buồm xuôi gió hay đối mặt với giông bão?
– Từ khoa học đến hành động: Các giải pháp sáng tạo để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương
– Ảnh hưởng của mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng
– Thảo luận Chiến lược về Cơ cấu lại các nền kinh tế trong thế giới sau COVID-19
– Thảo luận Chiến lược về Xây dựng văn hóa bảo tồn thông qua các liên minh mới và củng cố sự quy tụ các tác nhân chính.
Ảnh: Bà Hồ Thị Yến Thu tham dự trực tuyến Phiên họp các đại diện thành viên từ các ủy ban quốc gia và khu vực
Với 9 phiên làm việc toàn thể, Đại hội đã thông qua Chương trình hoạt động 2021-2024 của IUCN và các tiểu ban, bầu các vị trí chủ chốt của IUCN trong đó có 28 thành viên Hội đồng và bầu Chủ tịch IUCN nhiệm kỳ 2021-2024. Tân chủ tịch đắc cử là bà Razan Al Mubarak (đến từ các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất). Bà Razan là phụ nữ thứ 2 làm chủ tịch IUCN trong lịch sử 72 năm của tổ chức này và là nữ chủ tịch đầu tiên đến từ Châu Á.
Ảnh: Chủ tịch đắc cử IUCN bà Razan Al Mubarak phát biểu tại Đại hội
Đại hội đã thống nhất bản Công bố Marseille dài 4 trang, nhìn nhận rằng hiện nay thế giới đang trải qua đại dịch toàn cầu, leo thang khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học dẫn đến gia tăng bất bình đẳng, bên cạnh đó những hoạt động thiếu tính bền vững của con người làm tình hình càng xấu đi, đe dọa không chỉ sự sinh tồn của chính chúng ta mà còn đối với nền tảng sự sống trên trái đất, nhân loại đang ở đỉnh điểm hiểm nguy và cơ hội để ứng phó với các vấn đề nghiêm trọng có sự tương tác đó đang trở nên hẹp dần lại. Hệ thống mà chúng ta đang áp dụng không còn hiệu quả nữa rồi. Những thành tựu về kinh tế không còn đến từ những đánh đổi về môi trường thiên nhiên. Chúng ta cần cải tổ hệ thống.
Trong bối cảnh đó, bản Công bố Marseille nêu rõ, chúng ta cần nhận thức rõ chúng ta có chung một mẹ thiên nhiên, chung một tương lai, và vì vậy chúng ta cần cam kết (i) Tôn trọng và thúc đẩy vai trò và quan điểm của tất cả mọi công dân; (ii) Theo đuổi hợp tác và quan hệ đối tác tích cực; (iii) Thực hiện các hành động cụ thể tạo thành những công cụ hữu hiệu để thay đổi.
Các thành viên IUCN và đối tác tiếp tục cam kết sẽ cùng nỗ lực để giải quyết những khủng hoảng lớn này, đặc biệt sẽ tập trung vào (i) Ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19; (ii) Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học thông qua cam kết thực hiện khung toàn cầu sau 2020 mang tính chuyển đổi, hiệu quả và mạnh mẽ về bảo vệ đa dạng sinh học; (iii) Đương đầu với những rủi ro và tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Bản Công bố Marseille cũng nhấn mạnh 10 hành động cụ thể mà các thành viên IUCN và đối tác sẽ thực hiện. Bản thân CH Pháp, nước chủ nhà của Đại hội 7 này cũng cam kết 5 hành động quan trọng trong đó có mục tiêu đến 2022 mạng lưới khu bảo tồn biển chiếm 30% diện tích biển quốc gia và tham gia thúc đẩy hiệp định về chống ô nhiễm nhựa.
Xem thêm các thông tin chính thức về Đại hội tại: http://iucnworldconservationcongress.org
Xem thêm
- Họp tham vấn các bên liên quan, thúc đẩy hoàn thiện đề án thành lập KBTB Cô Tô – Đảo Trần
- Đối thoại trực tuyến về Dự thảo Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 và chia sẻ thực hành Đồng Quản Lý tại khu vực duyên hải miền Trung
- BỘ CÁC NGUYÊN TẮC ECDT TOÀN DIỆN CÓ PHIÊN BẢN TIẾNG VIỆT