Tin tức
Khảo sát xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng tại vùng nuôi tôm lúa xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau
Vùng ĐBSCL không chỉ là khu vực có lợi thế về phát triển về nông nghiệp và thủy sản mà còn có tiềm năng về phát triển du lịch gắn với các hoạt động sản xuất ở đây. Nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững thích ứng BĐKH và tăng cường năng lực cho nhóm sản xuất quy mô nhỏ, MCD phối hợp với chuyên gia và UBND huyện Thới Bình tổ chức hoạt động đánh giá, họp tham vấn và tập huấn cho việc lập kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng (DLCĐ) xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau”.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái là định hướng chính sách lâu dài của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng. Ngày 02/03/2020 UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở những nơi có đủ điều kiện trên địa bàn huyện Thới Bình. Mặt khác, UBND huyện Thới Bình cũng đã ban hành Nghị quyết số 09 – NQQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Thới Bình giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Việc phát triển du lịch không chỉ góp phần đem lại sinh kế cho các hộ dân tại đây, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trong tháng 03/2023, MCD phối hợp chuyên gia tư vấn tiến hành khảo sát, phỏng vấn, họp thảo luận với các thành viên HTX và tham vấn ý kiến các bên liên quan (khoảng hơn 30 đại diện) bao gồm UBND xã Trí Lực, Phòng văn hóa và Phòng nông nghiệp huyện Thới Bình, và Sở NNPTNT. Thông qua sử dụng các công cụ phân tích thị trường, mô hình kinh tế, chính trị, xã hội để đánh giá tiềm năng, thách thức cho khu vực định hướng phát triển DLCĐ, kết quả khảo sát cho thấy xã Trí Lực có tiềm năng và lợi thế phát triển DLCĐ từ hệ sinh thái lúa tôm theo hướng hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm và học tập chia sẻ kinh nghiệm và các giá trị văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, các tiềm năng có sẵn như liên kết doanh nghiệp, HTX địa phương, nhóm sản xuất lúa – tôm đã được hình thành, khu vực nuôi tôm sú-lúa đã đạt tiêu chuẩn ASC của thế giới, lúa/gạo đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và gần đây đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Tuy nhiên để phát triển thành Làng nông nghiệp hữu cơ gắn với DLCĐ thì cần phải tăng cường kỹ năng kinh doanh và liên kết chuỗi tại địa phương giữa doanh nghiệp, HTX và người dân để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản hữu cơ. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần xây dựng các sản phẩm đa dạng dựa trên hệ sinh thái lúa tôm và thúc đẩy các yếu tố về giới nhằm tăng vai trò và quyền năng của phụ nữ triển khai mô hình Làng nông nghiệp hữu cơ gắn với DLCĐ.
Ảnh 1: Chuyên gia thực hiện họp nhóm khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển DLCĐ tại xã Trí Lực
Kết quả trên cũng được chia sẻ tại hội nghị “Tham vấn chia sẻ kết quả khảo sát và lập kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ và DLCĐ” tại huyện Thới Bình với sự tham gia của 32 đại biểu đến từ Chi cục thủy sản, Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau, Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, UBND huyện Thới Bình, UBND xã Trí Lực, các hợp tác xã, Hội phụ nữ xã, các doanh nghiệp và chuyên giavào tháng 05/2023. Tại hội nghị, Ông Nguyễn Minh Nhân – PCT UBND huyện Thới Bình đã ghi nhận các ý kiến đóng góp các chuyên gia và các bên liên quan; UBND huyện sẽ xây dựng đề án phát triển DLCĐ thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất vùng tôm lúa hữu cơ, theo nghị quyết 09 để các bên cùng đẩy mạnh phát triển, đồng bộ với các xã thị trấn trong vùng. Bên cạnh đó, ông Tiêu Minh Tiên – PGĐ sở VHTTDL tỉnh Cà Mau cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bên liên quan hỗ trợ chính sách xây dựng mô hình Làng nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển DLCĐ tại Trí Lực, Cà Mau.
Ảnh 2: Toàn cảnh Hội nghị Chia sẻ kết quả khảo sát và lập kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng tại xã Trí Lực
Trên cơ sở ủng hộ của chính quyền các cấp về kế hoạch phát triển DLCĐ gắn với nông nghiệp hữu cơ, MCD phối hợp chuyên gia Mekong Organics, DNXH Minh Phú hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ – phục vụ xây dựng đề án phát triển làng nông nghiệp hữu cơ Trí Lực. Các học viên đến từ UBND xã Trí lực và cộng đồng dân cư sinh sống tại đây đã được giảng viên quốc tế và trong nước hướng dẫn các kiến thức về nuôi trồng thủy sản hữu cơ trên vuông tôm lúa hiện nay. Thông qua buổi tập huấn, các hộ dân đã nâng cao kiến thức để thực hành canh tác hữu cơ và phát triển sản phẩm của mình hướng đến phát triển làng nông nghiệp hữu cơ.
Ảnh 3: Tập huấn kỹ thuật sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ – phục vụ xây dựng đề án phát triển làng nông nghiệp hữu cơ Trí Lực
Qua các nỗ lực của MCD và chuyên gia tư vấn, chính quyền địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp đã cải thiện và củng cố thêm kiến thức và xây dựng kế hoạch phát triển Làng nông nghiệp hữu cơ gắn với DLCĐ xã Trí Lực.
Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á” – GRAISEA 2” do MCD phối hợp đối tác thực hiện tại Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM. Mục tiêu của dự án tăng cường năng lực người sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, có được những cơ hội và lợi ích công bằng và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với BĐKH.