Nghề cá, sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng
Hướng dẫn Thực hiện Quy định và Tham vấn Kế hoạch hành động Thực hiện Đồng quản lý trong Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm giảm Khai thác Thủy sản bất hợp pháp
Ngày 31/5/2019 tại Hà Nội, hội thảo quốc gia với hơn 50 đại biểu đã tham gia chia sẻ, tiếp nhận thông tin về hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và tham vấn các bên liên quan về dự thảo kế hoạch hành động thực hiện đồng quản lý (ĐQL) trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm giảm khai thác thủy sản bất hợp pháp. Kết quả của hội thảo đóng góp trong việc thực thi cam kết của Việt Nam đối với hướng dẫn nghề cá quy mô nhỏ (SSF) do tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã thông qua năm 2015, hướng tới nghề cá có trách nhiệm và bền vững.
Hội thảo do Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đồng tổ chức thu hút sự tham gia của đại biểu đến từ nhiều bên, bao gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Chi cục Thủy sản/Sở NN&PTNT của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý một số khu bảo tồn biển, một số tổ chức Hội, Hiệp hội trong nước và quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cơ quan truyền thông.
Viện nghiên cứu Hải sản đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn các nội hàm về quản lý nguồn lợi thuỷ sản dựa vào tiếp cận hệ sinh thái, một trong các nguyên tắc hoạt động thuỷ sản quy định tại Luật thủy sản 2017. Đồng thời, Vụ bảo tồn và Phát triển Nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã cập nhật các quy định pháp luật mới nhất về thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, làm rõ những điểm cần lưu ý.
Phần thảo luận do ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó Vụ trưởng phụ trách Vụ bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản và bà Nguyễn Thu Huệ, giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đồng chủ trì đã tạo cơ hội thảo luận và tham vấn ý kiến đóng góp cho việc triển khai kế hoạch hành động thực hiện ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm giảm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp từ các địa phương và các bên liên quan.
Đại diện Chi cục Thủy sản Bình Định, Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ thực tế và kế hoạch triển khai ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định Luật Thuỷ sản 2017 tại địa phương. Họ cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ đại biểu tham dự Hội thảo để cải thiện việc thực thi và đề xuất chính sách phù hợp thực hiện ĐQL.
Đại biểu tham dự Hội thảo đã hiểu và nắm rõ hơn quy định liên quan đến ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo Luật Thủy sản 2017 và văn bản hướng dẫn thi hành; các cách tiếp cận quản lý nguồn lợi thủy sản dựa vào hệ sinh thái, các điểm chính của kế hoạch hành động thực hiện ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm giảm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Các kiến nghị, đề xuất ưu tiên từ các địa phương sẽ được xem xét, tiếp thu, lồng ghép tại văn bản hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong thời gian tới, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Thông tin bổ sung:
Luật Thủy sản được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 4 năm 2019. Theo đó, Luật Thuỷ sản có Điều 10 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 có Mục 1, Chương II quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Kế hoạch hành động thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản dự kiến được Bộ NN&PTNT phê duyệt nhằm thu hút nguồn lực, điều phối các nỗ lực từ trung ương tới địa phương trong thực hiện đồng quản lý, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nguồn lợi thủy sản trên cả nước.
Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD): Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được thành lập từ năm 2003. MCD cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ các hệ sinh thái biển và cải thiện đời sống của cộng đồng ven biển thông qua bản địa hóa kiến thức và kinh nghiệm quốc tế liên quan thành các mô hình thích ứng thực tế trong bối cảnh Việt Nam.
Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân qui mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Định, Việt Nam”: Được tài trợ bởi Quỹ ADM – Hồng Kông (ADM Capital Foundation) do MCD phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định và Tổng cục Thủy sản triển khai giai đoạn 2 từ 1/2017 đến 12/2019. Dự án tập trung hỗ trợ việc áp dụng tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái (EAFM), đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng tới việc duy trì sức khỏe và bảo tồn hệ sinh thái đồng thời đóng góp cho việc phát triển sinh kế của người dân địa phương trong một hệ thống quản trị tốt.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Bà Thân Thị Hiền, Phó giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Chủ nhiệm hợp phần Sinh kế bền vững và Phát triển Cộng đồng: tthien@mcdvn.azurewebsites.net.
Xem thêm
- Cộng đồng ngư dân xã Nhơn Lý quyết tâm xây dựng Tổ đồng quản lý theo luật Thủy sản sửa đổi 2017
- Tham vấn lập kế hoạch dự án tại Cà Mau
- Tham vấn địa phương và cộng đồng về dự thảo nội dung văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017 và chia sẻ kinh nghiệm giao quyền cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển khu vực biển có rạn san hô