Nghề cá, sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng
Hội thảo: “Quảng bá sản phẩm sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối thị trường” tại Thái Bình
Tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông sản vẫn đang là thách thức cho các địa phương. Mặc dù từ năm 2002 Chính phủ đã ra Quyết định 80/2002/QĐ – TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, nhưng cho tới nay hiệu quả thu lại chưa đáng kể. Trên thực tế, các sản phẩm nông sản vẫn chủ yếu phân phối và tiêu thụ qua trung gian, mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp lỏng lẻo, lúng túng, chủ yếu mang tính thời vụ không có định hướng phát triển lâu dài.
Để các sản phẩm nông sản thực sự có được đầu ra ổn định, mang lại lợi nhuận tương xứng cho người sản xuất, cần phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các Sở ban ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân tại mỗi địa phương.
Nhằm góp phần tạo liên kết giữa các bên liên quan và thúc đẩy hoạt động tiêu thụ và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Bình. Trong ngày 15 tháng 8 năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo “Quảng bá sản phẩm sinh kế thích ứng BĐKH va kết nối thị trường”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động “Hội thảo quảng bá sản phẩm sinh kế thích ứng BĐKH và kết nối thị trường” tại 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng.
Hình ảnh 1: Hình ảnh tại hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của các đại diện đến từ các sở, ban ngành của tỉnh Thái Bình như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương, lãnh đạo một số huyện trên địa bàn tỉnh, đại diện các nhà khoa học từ Trung ương như: PGS.Ts Nguyễn Đức Lương – Viện nghiên cứu phát triển vùng (Bộ NN&PTNT), Ths. Trần Văn Thọ – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (Bộ KHĐT), đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, và đại diện các hộ sinh kế trong địa bàn dự án của MCD.
Ông Nguyễn Như Liên – Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông khuyến ngư Thái Bình phát biểu tại hội thảo: “Thái Bình hiện đang đứng trước rất nhiều thách thức trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, vì vậy Tỉnh đã xây dựng chiến lược nông nghiệp cho toàn ngành xác định 9 sản phẩm chiến lược về trồng trọt bao gồm: Lúa, khoai tây, ngô, bí, đậu tương. Chăn nuôi: Lợn, gà, bò sữa, ngao. UBND tỉnh đã chỉ đạo tìm kiếm đầu ra, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản, cho đến nay đã bước đầu tìm được đầu ra cho các sản phẩm. Từ năm 2012, MCD đã gắn kết với các tỉnh Nam Định, Thái Bình tổ chức các mô hình sinh kế thích ứng thành công như: mô hình trồng giống lúa RVT có khả năng chống chịu và thích ứng cao với BĐKH, mô hình trồng nấm đã được nhân rộng ở 4 huyện và tỉnh đã có chủ trương lồng ghép, tiếp tục nhân rộng cho các huyện khác. Trong thời gian tới cần có sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của MCD để có thể quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Hình ảnh 2: Ông Nguyễn Như Liên phát biểu tại hội thảo
Hội thảo cũng đã thu được nhiều ý kiến đến từ đại diện doanh nghiệp và các nhà khoa học về những vấn đề cần cải thiện và thực hiện nhằm nâng cao khả năng tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản.
Ông Vũ Hồng Hải – Giám đốc công ty CP lương thực Thái Đan cho biết: Thực tế cho thấy, doanh nghiệp tại địa phương đã làm rất bài bản, tổ chức sản xuất cho người nông dân để đảm bảo vùng nguyên liệu, nhưng cứ khi nào giá lên thì người dân lại bán cho các đơn vị khác giá cao hơn. Vấn đề nâng cao nhận thức cho người dân trong sản xuất vẫn là cấp thiết, ví dụ: các quy trình doanh nghiệp đưa ra để đảm bảo chất lượng sản phẩm cao, nhưng người nông dân không hiểu và không tuân thủ. Một vấn đề nữa là trong liên kết 4 nhà, thì sự tham gia của các nhà khoa học rất mờ nhạt, không có tư vấn quy hoạch vùng trồng nguyên liệu phù hợp cho từng loại sản phẩm.
Hình ảnh 3: Ông Vũ Hồng Hải: Cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà
Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Thọ – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương chia sẻ: Người tiêu dùng hàng nông nghiệp hiện nay rất đa dạng và nhu cầu không nhỏ, nhưng cần có sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lí, an toàn vệ sinh thực phẩm do vậy cần hướng đến cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao, và cần phải thúc đẩy thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, truy rõ nguồn gốc sản phẩm.
Ông Thọ chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất là cần phải liên kết lại với nhau, có hai dạng liên kết chính là: Liên kết ngang và liên kết dọc. Những mô hình liên kết sẽ giúp giảm tính manh mún trong sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng mặc cả, giảm các chi phí chồng lắp, giảm tỉ lệ thừa thiếu sản phẩm, tận dụng vốn và kĩ thuật, và nâng cao khả năng chống chịu thiên tai.
Hội thảo “ Quảng bá sản phẩm sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối thị trường” đã tập trung và làm rõ tầm quan trọng của việc triển khai các mô hình sinh kế thích ứng. Trong đó có vấn đề nâng cao nhận thức đối với người dân và doanh nghiệp, tầm quan trọng của việc tạo mối liên kết giữa các bên liên quan, tạo ra sự hỗ trợ thúc đẩy tìm kiếm đầu ra hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Từ năm 2012 đến nay, MCD đã kết hợp với UBND tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng tiến hành triển khai Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với Biến Đổi Khí Hậu của các Cộng đồng ven biển Việt Nam”- Dự án PRC (MCD 46) được tài trợ bởi chính phủ Úc và hỗ trợ kỹ thuật bởi Oxfam. Dự án với mục tiêu tổng quan là tăng cường khả năng phục hồi của người dân vùng ven biển bị tổn thương nhiều nhất trước tác động của thay đổi khí hậu, biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài việc MCD đã tiến hành các hoạt động tăng cường năng lực về kiến thức BĐKH, sinh kế thích ứng và bổ sung các kỹ năng mềm: kỹ năng phân tích chi phí lợi ích từ các mô hình sinh kế, hạch toán kinh tế hộ gia đình, kỹ năng đàm phán giá cả…cho các nhóm nòng cốt ; MCD đã phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Cho đến nay, các mô hình sinh kế đã triển khai thực hiện 8 bước trong qui trình hoạt động sinh kế thích ứng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình, minh chứng tính thích ứng với BĐKH.