Danh mục cho trang giới thiệu
Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu đầu vào huyện Tiền Hải
Ngày 11/04/ 2016 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Viện Quản lý Châu Á (AMDI) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả các nghiên cứu đầu vào thuộc khuôn khổ dự án READY do USAID tài trợ.
Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện USAID, đại diện Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Trung tâm nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), Đại diện UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp, Đoàn Thanh niên các tỉnh Nam Định, Thái Bình và thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, các chuyên gia về biến đổi khí hậu cùng các tổ chức NGO liên quan đến biến đổi khí hậu cũng tham dự sự kiện.
Bà Terhi Majanen- Đại diện USAID đã có bài phát biểu đánh giá cao các hoạt động, tính sáng tạo của dự án và chúc mừng những kết quả ban đầu dự án đã đạt được.
Mở đầu hội thảo ông Ngô Công Chính, Phó viện trưởng của viện AMDI đã giới thiệu tổng quan về hội thảo và cập nhật tiến độ triển khai dự án. Mục đích chính của hội thảo là nhằm cập nhật tiến độ thực hiện dự án READY, chia sẻ kết quả với các bên liên quan của dự án, tiếp nhận các ý kiến phản hồi để hoàn thiện các chỉ số đầu vào sẽ được sử dụng để lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cấp huyện. Bên cạnh đó, dự án cũng rút kinh nghiệm để hoàn thiện các hoạt động tiếp theo cho hai huyện Giao Thủy và Cát Hải.
Ông Ngô Công Chính giới thiệu về hội thảo và cập nhật tiến độ triển khai dự án
Cũng trong buổi hội thảo, các đại biểu đã hiểu thêm về tình hình biến đổi khí hậu và kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam thông qua phần trinh bày của Tiến sĩ Bùi Minh Tăng: “Ở Việt Nam, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0.5˚ C đến 0.7˚ C, mực nước biển dâng khoảng 20cm, hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng nghiem trọng. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thẻ tăng lên 3˚ C, mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100”.
Tiến sĩ Bùi Minh Tăng chia sẻ về tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam
Trong phần thảo luận, các đại biểu đại diện cho các huyện, xã và đoàn thanh niên đã có dịp thảo luận về thực trạng biến đổi khí hậu tại địa phương, vai trò của thanh niên trong việc tham gia và đưa sáng kiến với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc kêu gọi thanh niên tham gia các hoạt động của địa phương. Đại diện UBND huyện Tiền Hải cho biết: “Hiện nay khó khăn lớn nhất tại địa phương là việc thiếu đội ngũ thanh niên trẻ, do phần lớn đội ngũ thanh niên đều đi học xa nhà. Vì vậy, việc kêu gọi thanh niên tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu gặp nhiều khó khăn.”
Các đại biểu đến từ chính quyền địa phương và đoàn thanh niên thảo luận tại hội nghị
Tại Hội thảo, các Báo cáo được trình bày bao gồm:
– Đánh giá về xu hướng BĐKH, kịch bản nước biển dâng
– Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng BĐKH (PVCA)
– Đánh giá đầu kỳ Kiến thức- Thái độ- Thực hành của cộng đồng
– Đánh giá năng lực tổ chức Đoàn thanh niên trong thích ứng BĐKH.
Các kết quả nghiên cứu tập trung vào cấp huyện
Đại biểu tại hội thảo đã thảo luận sôi nổi và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho dự án trong giai đoạn triển khai tiếp theo. GS. TSKH Trương Quang Học, đại diện của Trung tâm ECODE đã phát biểu đánh giá cao các nỗ lực, kết quả ban đầu của dự án và góp ý thêm về việc xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cấp huyện, đánh giá tác động của BĐKH theo cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái (EBA) cũng như việc sự cần thiết hướng dẫn cho các địa phương việc lồng ghép thực hiện kế hoạch.