Tin tức
Giảm ô nhiễm nhựa với mạng lưới bẫy rác trên sông – một giải pháp công nghệ và xã hội từ đồng bằng sông Hồng
Ngày Môi trường thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”. Tại VN, một trong các hoạt động được Bộ TN&MT đề nghị tập trung để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay là thực hiện phổ biến và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn.
MCD và các đối tác trân trọng giới thiệu mô hình công cụ thu gom rác thải trôi nổi trên sông (gọi tắt là bẫy rác) được thực hiện tại Nam Định, một tỉnh ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng với đường bờ biển dài 72 km và có hệ thống sông gồm 4 sông lớn: sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ.
Bẫy rác là gì?
Bẫy rác là một sáng kiến về giải pháp công nghệ tích hợp với điều kiện xã hội và môi trường, góp phần giải bài toán thu gom rác thải trên dòng chảy nhằm tăng tỷ lệ thu gom rác thải rắn và giảm lượng rác thải trôi ra biển, được khởi xướng từ các dự án “Thí điểm quản lý rác thải đô thị theo dòng chảy từ sông ra biển nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở tỉnh Nam Định, khu dự trữ sinh quyển sông Hồng” do USAID tài trợ, và dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do Tổ chức Bảo tồn đại dương tài trợ. Các dự án này do Trung tâm MCD chủ trì và phối hợp với Sở TN&MT cùng các đối tác địa phương thực hiện tại tỉnh Nam Định.
Bẫy rác được thiết kế với tiêu chí: gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp địa phương; không có động cơ; vận hành bán tự động và phối hợp sức người; sử dụng vật liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường, có tuổi thọ cao và giá thành thấp; tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy, quản lý đê điều và các quy định pháp luật liên quan; tham vấn các cơ quan quản lý có liên quan và nhân dân địa phương.
Bẫy rác vận hành thế nào?
Bẫy rác thu gom rác thải trên sông trong điều kiện bình thường và dừng hoạt động trong trường hợp lũ lụt, với cơ chế hoạt động: Rác theo dòng chảy đi vào hai cánh tay gom rác, từ đó vào khoang chứa rác, sau đó rác sẽ được vớt ra và di chuyển lên bờ, phân loại và xử lý theo đúng quy trình: phần rác hữu cơ và rác không thể tái chế được chuyển đến điểm xử lí rác của địa phương, phần rác có thể tái chế được bán cho cơ sở phế liệu.
Bẫy rác được vận hành bởi tổ nòng cốt địa phương với các thành viên từ Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ v.v…, được cộng đồng và chính quyền địa phương đồng thuận.
Hiện có bao nhiêu bẫy rác rồi?
Hiện nay tại tỉnh Nam Định đã có 6 bẫy rác được lắp đặt, hạ thuỷ và vận hành trong đó 5 bẫy rác đặt trên sông Hồng thuộc các xã Mỹ Tân, Điền Xá, Nam Thắng, Xuân Thành và Giao Hương, và 1 bẫy rác đặt trên sông Đào thuộc phường Trần Tế Xương, tạo thành một mạng lưới bẫy rác trên sông.
Bẫy rác có hiệu quả không?
Các bẫy rác đã thu gom được một lượng lớn rác thải trôi nổi trên sông từ khi được hạ thủy và vận hành tính đến hết tháng 5/2023, tổng khoảng 45 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 28,4%.
Chị Trần Thị Tám ở thôn Phố Bến xã Mỹ Tân bày tỏ “Trước khi có bẫy rác, người dân thường mang rác ra khu vực này để đổ, nên môi trường xung quanh rất bẩn. Từ ngày bẫy rác được lắp đặt và vận hành ở đây (bến phà Tân Đệ cũ), nơi đây rất sạch sẽ, người dân có ý thức hơn”
Có thể nói, mạng lưới bẫy rác là sáng kiến địa phương khá độc đáo, một giải pháp hưởng ứng thiết thực phong trào chống rác thải nhựa mà Chính phủ phát động, và góp phần thực hiện Kế hoạch hành động của Việt Nam và của tỉnh Nam Định về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.