Góc báo chí
Gala Hải Đăng Xanh và sáng kiến cộng đồng vì môi trường
Ngày 21/5 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng đã tổ chức sự kiện “Gala Hải Đăng Xanh và sáng kiến cộng đồng vì môi trường, ứng phó với BĐKH”. Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD, Bà Hồ Yến Thu, Phó Giám đốc MCD chủ trì sự kiện. Tham dự có đại diện một số cơ quan tài trợ, Trung ương đoàn TNCS HCM; chính quyền huyện Giao Thủy, Nam Định; các tổ chức PCP, CLB Môi trường, trường Đại học tại Hà Nội; Đại diện khối doanh nghiệp; Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và các bạn thực tập sinh Hải Đăng Xanh khoá I, II và khoá III.
|
Ban Lãnh đạo Trung tâm MCD cùng các học viên Hải Đăng Xanh Được khởi xướng từ dự án “Thực tập sinh và đại diện cộng đồng chung tay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam” từ năm 2013 với sự hỗ trợ bởi Quỹ McKnight Foundation (đây là một Quỹ tư nhân hoạt động chủ yếu ở vùng Minonita, Hoa Kỳ). Quỹ luôn đồng hành cùng MCD và chương trình Hải Đăng Xanh (HĐX) cũng nằm trong số đó và HĐX đã được thực hiện và nhận được hưởng ứng của thanh niên và các địa phương. Chương trình bắt đầu tại tỉnh Nam Định và đã được nhân rộng, lan tỏa tác động tích cực đến các tỉnh ven biển khác như Thái Bình, Hải Phòng và Khánh Hòa, tạo cơ hội cho các bạn thanh niên và sinh viên được tiếp nhận, trau dồi kiến thức, tăng cường kỹ năng và cơ hội làm việc tại thực địa cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên vùng ven biển, phát triển cộng đồng, truyền thông và vận động chính sách, nghiên cứu và lồng ghép giới. Chương trình Hải Đăng Xanh hướng tới: Thúc đẩy lực lượng thanh niên, trí thức trẻ song hành cùng đại diện các tổ chức cộng đồng tại vùng đồng bằng ven biển đưa ra sáng kiến ứng phó BĐKH. Hỗ trợ nhóm thanh niên, sinh viên nòng cốt cùng các tổ chức và đoàn thể ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua tăng cường năng lực và hành động cụ thể. Thắt chặt và tăng cường mối quan hệ giữa các lực lượng trực tiếp tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu: nhà nước – tổ chức chính trị xã hội – thanh niên – cộng đồng ven biển.Tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng, đặc biệt là các xã vùng ven biển. Với các bước Thắp lửa- Tỏa sáng- Lan tỏa, diễn ra từ 3/2013, chương trình Hải Đăng Xanh đã quy tụ 28 nhóm Hải Đăng Xanh (tượng trưng cho số tỉnh ven biển Việt Nam) được Thắp Lửa thông qua tuyển chọn và đào tạo các kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu, làm việc cùng các tổ chức hoạt động vì môi trường và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Các HĐX này sẽ Tỏa sáng tới các thanh niên sinh viên khác và 500 cư dân ưu tú tại các xã ven biển, thực hiện các sáng kiến hoặc mô hình ứng phó BĐKH cụ thể. Từ đó Lan tỏa tới 3260 thanh niên sinh viên (tượng trưng cho số km đường bờ biển khu vực đất liền) tham gia các hoạt động của chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vùng biển đảo cả nước. Với sự hỗ trợ của truyền thông, những thông điệp, thông tin về biến đổi khí hậu tới được 1 triệu sinh viên, thanh niên khác ở cả thành phố và các tỉnh ven biển lựa chọn. Sự kiện “Gala Hải Đăng Xanh và sáng kiến cộng đồng vì môi trường, ứng phó Biến đổi khí hậu” cũng đểđánh dấu chặng đường ba năm kể từ khi chương trình bắt đầu. Đến nay, có thể đánh giá chương trình đã đạt được những thành công nhất định. Tại buổi lễ, Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD cho biết: 3 năm qua, chương trình đã thu hút được gần 100 sinh viên năng động tham gia. Tại đây, sinh viên được đào tạo kiến thức, trang bị kỹ năng và phát triển theo 3 giai đoạn: Thắp lửa, Tỏa sáng và Lan tỏa. Tất cả đều tựu chung lại để thực hiện một sứ mệnh lớn là hình thành và truyền lửa cho thanh niên nhiệt huyết tham gia đóng góp cho các dự án xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến BĐKH mà đối tượng chính là người dân đang sinh sống tại các vùng ven biển trong cả nước. Thay mặt MCD, Bà Nguyễn Thu Huệ đã cảm ơn Quỹ McKnight Foundation (gọi tắt là Quỹ), luôn đồng hành cùng MCD, đây là một quỹ tư nhân chủ yếu hoạt động ở vùng Minonita, Hoa Kỳ nhưng có một chương trình ở Đông Nam Á. MCD không có thói quen nói nhiều về nhà tài trợ nhưng bởi Quỹ có cách hỗ trợ rất riêng, luôn giúp cho MCD thử nghiệm những ý tưởng mới trong khi các nhà tài trợ khác còn nghiên cứu, cân nhắc. Tại buổi lễ gala, MCD đã công bố 10 sáng kiến cộng đồng tiêu biểu ở Nam Định, đó là: Sử dụng thùng phân loại rác công cộng trong xóm Xuân Tiên; Đẩy mạnh phong trào sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn xã Giao Thiện; Đệm lót sinh học cho hộ gia đình có chuồng trại truyền thống; Đặt thùng rác ven các cửa thửa ruộng tại xã Giao Lạc; Triển khai mô hình mẫu trồng đinh lăng tại một số gia đình ở xã Giao An; Đặt thùng rác tại khu trường học, khu chợ; Khử chua mặn cho đất nông nghiệp Trồng cây ứng phó với BĐKH tại xã Giao Hải; Hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý tác thải tại nguồn; Ủ rơm làm phân vi sinh sau khi thu hoạch. Thành công của Chương trình HĐX đã chứng minh cho tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia của giới trẻ trong các công tác, dự án xã hội. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến một nhà tài trợ mới đã cam kết tài trợ cho một dự án tiếp theo của MCD, đó là “ Dự án Khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh châu thổ sông Hồng và giới trẻ (dự án READY)”. Đây chính là bước chuyển mình, hội tụ những kinh nghiệm và thành tựu từ chương trình HĐX để tiếp tục nâng cao sự tham gia, gắn kết của giới trẻ và các dự án hoạt độngx ã hội trong thời gian tới trên khắp cả nước- Bà Hồ Thị Yến Thu đã vui mừng chia sẻ. Chương trình gala HĐX chưa thể nói hết lên tất cả những công việc mà các HĐX đã làm được nhưng có lẽ tất cả ai quan tâm và biết đến MCD đều có thể khẳng định rằng “họ đã làm được nhiều hơn những gì họ đã nói”. Chỉ với một thông điệp ngắn gọn ban đầu của mốc 3 năm hướng tới hành trình cộng đồng và thanh niên chung tay với các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức và cá nhân tham gia trong công tác BVMT, thích ứng với BĐKH. Kết thúc gala HĐX, có lẽ tất cả những ai có mặt tại buổi lễ cũng đều ấn tượng với chia sẻ đầy cái “tâm”, chữ “tình” với cộng đồng của Bà Nguyễn Thu Huệ: “Chúng tôi không coi người dân ven biển và các địa phương là người nhận sự trợ giúp mà coi họ là đối tác cùng phát triển. Chính sự thành công của họ đã tạo nên thành công của MCD, thử thách của họ cũng là thử thách để MCD tìm cách đối mặt và cùng cộng đồng vượt qua, tìm những sự trợ giúp”. Hồng Minh |