Tin tức
Nâng cao năng lực ứng phó BĐKH vùng ven biển Việt Nam thông qua áp dụng thí điểm ERA và tiếp cận DTSQ
Hà Nội – Ngày 1&2/10/2013, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) kết hợp cùng Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Điển và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (Sida), phối hợp đồng tổ chức hội thảo mang tên Nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam – Áp dụng thí điểm đánh giá rủi ro sinh thái (ERA) và tiếp cận dự trữ sinh quyển.
Hội thảo là diễn đàn mở thảo luận về những cơ hội, thách thức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển và thúc đẩy sinh kế ứng phó dựa vào cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đồng thời chia sẻ các ví dụ thực hành tiêu biểu và bài học kinh nghiệm đạt được thông qua thử nghiệm đánh giá rủi ro sinh thái (Ecological Risk Assessment – ERA) và tiếp cận dự trữ sinh quyển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Thông qua đó, hội thảo giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan nhằm xây dựng năng lực ứng phó trước biến đổi khí hậu cho các khu vực ven biển.
Tham gia hội thảo có 150 đại biểu tới từ các cơ quan chính quyền tỉnh tại Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng; đại diện các ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành Tài nguyên và Môi trường; đại diện Ủy ban UNESCO, tổ chức Sida và đại học Stockholm (Thụy Điển). Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện một số khu dự trữ sinh quyển và di sản của Việt Nam, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ.
Trong hai ngày 1&2/10/2013, hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận và trình bày có giá trị từ các giáo sư của trường đại học Stockholm (Thụy Điển), đại diện hai khu sinh quyển liên tỉnh sông Hồng và Cát Bà, đại diện nhóm nghiên cứu Viện Hải dương học Nha Trang cùng các chuyên gia và lãnh đạo đến từ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.
Các hoạt động được bàn luận tại hội thảo là kết quả của dự án Tăng cường sức đề kháng và khả năng phục hồi của các khu dự trữ sinh quyển ven biển Việt Nam trước biến đổi khí hậu và tai biến môi trường thông qua quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế bền vững được Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Khoa Sinh thái, Môi trường và Thực vật học, đại học Stockholm (Thụy Điển) phối hợp triển khai trong giai đoạn 2011- 2013. Dự án hướng tới mục tiêu tổng quan là nâng cao sức đề kháng và hồi phục trước biến đổi khí hậu và tai biến môi trường của khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, góp phần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thông qua tăng cường quản lý tài nguyên biển và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Đánh giá về các đóng góp của hội thảo và dự án trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, Giáo sư Hoàng Trí, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) cho biết: “ERA là một phương pháp luận hiện đại, trí tuệ mà cộng đồng khoa học thế giới đánh giá cao, đang được áp dụng thành công trên thế giới đặc biệt là các nước phát triển. Việt Nam được tiếp cận với phương pháp luận này là cơ hội tuyệt vời để khẳng định vai trò và hình ảnh của mình về mặt trí tuệ và văn hóa trong cộng đồng quốc tế, trong đó cách tiếp cận sinh quyển và sử dụng khu dự trữ sinh quyển làm công cụ thích ứng với biến đổi khí hậu là việc làm cần thiết, cụ thể đáp ứng tiêu chí của UNESCO, MAB và đường lối chỉ đạo của Đảng, thực hiện những ưu tiên quốc gia trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước”.
Hiện nay, Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển với hơn 4 triệu ha diện tích có tài nguyên thiên nhiên với đa dạng sinh học phong phú và các hệ sinh thái quan trọng cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho đời sống hơn 1.4 triệu người. Trong đó có hai khu ven biển là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh sông Hồng và khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận từ năm 2004. Mỗi khu dự trữ sinh quyển khác nhau trên thế giới có các tập quán, chính sách và cách quản lý khác nhau mà các cộng đồng ven biển ở Việt Nam có thể học tập để nâng cao khả năng ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu, trong khi vẫn đáp ứng được các yêu cầu đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế xã hội. Được tổ chức Sida hỗ trợ, tại hai khu dự trữ sinh quyển ven biển nói trên đã áp dụng thử nghiệm các phương pháp tiếp cận tiên tiến nhằm giúp cộng đồng và cơ quan hữu quan, đối tượng hưởng lợi của dự án, tăng cường khả năng ứng phó, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và và phát triển sinh kế. Trong đó, phương pháp đánh giá rủi ro sinh thái (ERA) và tiếp cận dự trữ sinh quyển đóng vai trò như là các công cụ ứng phó với biến đổi khí hậu đã được giới thiệu và triển khai ở các cấp độ khác nhau bao gồm cộng đồng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, cán bộ địa phương các cấp và cán bộ thuộc các ban ngành liên quan đến việc ban hành, thực thi chính sách cấp tỉnh và liên tỉnh.