Dự án
MCD HỢP TÁC QUỐC TẾ ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ RÁC THẢI NHỰA THEO QUY TRÌNH VÒNG TUẦN HOÀN TẠI VIỆT NAM
Trong năm 2021, với sự kết nối của Tổ chức Bảo tồn đại dương (Ocean Conservancy), MCD đã hợp tác về nghiên cứu với nhóm chuyên gia nổi tiếng toàn cầu về nghiên cứu rác thải nhựa của Giáo sư Jenna Jambeck, Giám đốc Trung tâm Quản lý Tuần hoàn vật chất tại Viện Vật liệu mới, Đại học Georgia, Hoa Kỳ (UGA). MCD đã được nhóm UGA tập huấn và chuyển giao phương pháp nghiên cứu, sau đó trực tiếp thực hiện công tác thực địa Đánh giá rác thải nhựa theo Quy trình vòng tuần hoàn (CAP) đối với 2 địa bàn Hà Nội và Nam Định. Với sự chủ trì của các chuyên gia UGA, đến đầu năm 2022, nghiên cứu đã được hoàn tất. MCD vui mừng chia sẻ tới các đồng nghiệp và các bên quan tâm 02 báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố tại đường dẫn https://www.circularityinformatics.org/vietnam.
Đánh giá rác thải nhựa theo Quy trình vòng tuần hoàn (CAP) là một phương pháp đánh giá tiêu chuẩn được sử dụng để thu thập dữ liệu về rác thải nhựa từ thực tế và cộng đồng địa phương, kết quả thu được sẽ phục vụ việc đưa ra quyết định về các biện pháp can thiệp quản lý rác thải nói riêng và vật liệu nói chung, đồng thời định lượng các tác động từ việc thực hiện các biên pháp can thiệp đó. Nhóm nghiên cứu của Gs. Jambeck đã sử dụng phương pháp này trong nhiều dự án được tài trợ bởi các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới, Cục Địa lý quốc gia trong Nghiên cứu từ biển đến nguồn tại Bangladesh và Ấn Độ; dự án hợp tác giữa Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á và Tổ chức Bảo tồn đại dương (OC) tại Chile, Mexico với tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các đối tác nghiên cứu trên thế giới.
CAP cung cấp một biểu đồ tóm tắt vòng tuần hoàn về vât chất của đô thị, từ đó có thể cung cấp dữ liệu cho việc ra quyết định từ cấp địa phương, vùng hoặc cấp trung ương. Mục đích thực hiện CAP tại Hà Nội và Nam Định là để thu thập dữ liệu từ đó giúp cho các địa phương xác định những hoạt động đang diễn ra, qua đó đưa ra các quyết định và các biện pháp nhằm can thiệp, cải thiện vòng tuần hoàn của vật chất theo hướng phù hợp hơn, bao gồm giảm xả thải rác và hạn chế rác thải nhựa phát tán ra dòng chảy hoặc đại dương.
Hoạt động hợp tác quốc tế này nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do MCD chủ trì thực hiện với nguồn tài trợ và cố vấn kỹ thuật của Tổ chức Bảo tồn Đại dương. Dự án nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan và kết nối hỗ trợ kỹ thuật trong tăng cường hiệu quả các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương.